Việc thông qua Luật Nhập cư mới được kỳ vọng sẽ khiến thị trường lao động Đức trở nên hấp dẫn hơn trong dài hạn.
Cuối tuần qua, Quốc hội Đức đã bỏ phiếu thông qua Luật Nhập cư mới. Đây là một phần của kế hoạch cải tổ sâu rộng về chính sách nhập cư nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng đang đè nặng lên nền kinh tế Đức.
Theo luật mới, các công dân nước ngoài đạt ít nhất 6 điểm trong danh sách các tiêu chí về trình độ, kinh nghiệm nghề nghiệp, tiếng Đức và độ tuổi sẽ có cơ hội tạm cư tại Đức trong 12 tháng để tìm việc làm. Các tiêu chí đối với thị thực làm việc cũng được hạ thấp, trong khi quyền lợi cho người lao động nhập cư được tăng lên.
“Luật mới đưa ra một số thay đổi quan trọng, như mở rộng việc công nhận bằng cấp nước ngoài. Kinh nghiệm làm việc sẽ đóng một vai trò lớn hơn. Bên cạnh đó, những người nhập cư cũng sẽ được phép tới Đức tìm việc nếu đáp ứng được các tiêu chí trong hệ thống chấm điểm”, ông Herbert Brucker, chuyên gia về lao động, Viện Nghiên cứu việc làm, Đức, cho biết.
Hồi đầu năm nay, Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức cho biết 53% số công ty của nước này đã phải vật lộn để lấp đầy các vị trí tuyển dụng do thiếu lao động lành nghề. Việc thông qua luật mới được kỳ vọng sẽ khiến thị trường lao động Đức trở nên hấp dẫn hơn trong dài hạn.
“Ban đầu, tôi nghĩ bộ luật mới có thể giúp nước Đức có thêm vài chục nghìn lao động lành nghề, nhưng nền kinh tế sẽ cần đến hàng trăm nghìn lao động như vậy. Bộ luật chỉ là bước đầu tiên để cải thiện tình hình, trước khi chúng ta đánh giá lại hiệu quả và tiến hành các bước cải cách hơn nữa”, ông Herbert Brucker, chuyên gia về lao động, Viện Nghiên cứu việc làm, Đức, nhận định.
Chính phủ Đức ước tính, các thay đổi này có thể giúp thu hút khoảng 400.000 lao động nước ngoài có tay nghề cao mỗi năm để tái cân bằng cơ cấu dân số đang già hóa và giải quyết tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng. Sự thiếu hụt lao động này cũng đang ảnh hưởng lớn đến kinh tế Đức, vốn đã rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý I và tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu đáng lo ngại trong quý II.